Kháng Pháp vệ Đài Lưu_Minh_Truyền

Vượt biển

Tháng 7 năm Quang Tự thứ 10 (1884), tư lệnh Amédée Courbet đưa hạm đội Viễn Đông nước Pháp xâm nhiễu một dải Phúc Kiến, Đài Loan. Người Pháp lộ rõ dã tâm giành lấy mỏ than Cơ Long, tận dụng nguồn nhiên liệu này để không chỉ chiếm trọn Đài Loan, mà còn đánh khắp các tỉnh duyên hải của Trung Quốc. Đài Loan cáo cấp, triều đình vội vã khởi dụng Minh Truyền, mệnh cho ông thụ hàm tuần phủ, giữ chức Đài Loan đốc biện quân vụ. Minh Truyền lập tức dâng sớ điều trần "Hải phòng vũ bị 10 sự", phần lớn đều được tiếp nạp. Sau khi Minh Truyền đến Thượng Hải, công sứ Pháp nhiều lần dò xét thời điểm xuất hành, ý đồ ám hại ông trên biển. Minh Truyền đánh tiếng tăng cường thủy đội để bảo vệ mình, tỏ ra vô cùng sợ hãi, khiến người Pháp tin rằng ông không dám đi Đài Loan. Vào một đêm mưa gió, Minh Truyền lẻn xuống thuyền nhỏ ra biển, từ đó lên chiến hạm chạy thẳng đến Đài Loan.

Sau khi ra đảo, Minh Truyền phát hiện công tác phòng bị Đài Loan rất kém: có 40 doanh, hơn 2 vạn người nhưng phải bảo vệ hơn 2000 dặm bờ biển; trang bị đều hỏng, rất ít đại pháo trên các pháo đài bắn được; có thủy quân nhưng không có thuyền hạm; Đài Loan binh bị đạo Lưu Ngao (tướng Tương quân) đem 31 doanh đặt ở Đài Nam, chỉ có 9 doanh ở Đài Bắc. Thêm nữa, Minh Truyền ngoài 2 viên tùy tướng và vài trăm thân binh Hoài quân, trên đảo còn lại đều là Tương quân, thậm chí Tôn Khai Hoa – tướng trấn thủ cảng Hỗ Vỹ - vốn là bộ tướng của Bào Siêu. Minh Truyền chủ động tìm gặp Lưu Ngao, ra sức hòa hoãn những mâu thuẫn trước đây.

Cơ Long thất thủ

Ngày 04 tháng 08, phó tư lệnh Sébastien Lespès đưa 3 cỗ chiến hạm áp sát cảng Cơ Long. Bấy giờ Cơ Long chỉ có 800 quân, còn 5 khẩu pháo bắn được, đều đặt ở chính diện. Ngày 5, quân Pháp khai hỏa, bộc lộ rõ ưu thế về khí tài, lập tức phá hủy pháo đài phía đông, khiến kho thuốc súng nổ tung. Hôm sau, Minh Truyền rút phần lớn quân Thanh ra sau núi, chỉ còn một ít giữ cao điểm. Quân Pháp hăng hái lên bờ tiến vào Cơ Long, bị Phúc Ninh (trấn) tổng binh Tào Chí Trung (tướng Tương quân) men núi theo 2 hướng đông – tây vu hồi bao vây, 3 mặt giáp kích. Quân Pháp thất bại, chạy về chiến hạm, Lespès đành lui về Mã Tổ. Triều đình nghe Minh Truyền khoa trương rằng quân Thanh đã gây thương vong hơn trăm tên địch, đặc biệt phát 3000 lạng bạc để khao thưởng.

Ngày 30 – 31 tháng 08, Courbet đưa 5 cỗ chiến hạm đến oanh kích Cơ Long. Minh Truyền mộ quân đoàn luyện lên phía bắc cứu viện, cố thủ cửa sông Đạm Thủy, không để quân Pháp lên bờ. Lưu Ngao cũng phái Lâm Triều Đống đưa quân đoàn luyện đến hiệp trợ phòng thủ Cơ Long. Sau đó, người Pháp tạm dừng để đàm phán. Ngày 01 tháng 10, Courbet chiếm được pháo đài núi Tiên Động ở mặt tây cảng khẩu. Ngày 02, Lespès tấn công cảng Hỗ Vỹ - cửa ngõ của phủ Đài Bắc [25], Minh Truyền chỉ để lại hơn 300 quân giữ Cơ Long, điều quân cứu viện Hỗ Vỹ. Ngày 03, quân Thanh bắt đầu phá hủy mỏ than, vận chuyển khí tài triệt thoái khỏi Cơ Long. Ngày 04, lũy Sư Cầu Lĩnh thất thủ, quân Pháp chiếm được Cơ Long. Sau khi nhận thấy tình hình Hỗ Vỹ không đáng ngại, Minh Truyền vào giữ thành Đài Bắc, điều Chương Cao Nguyên (tướng Hoài quân) đem 4 doanh tăng viện cho Hỗ Vỹ. Lưu Ngao thừa cơ xúc xiểm với Tả Tông Đường rằng Minh Truyền không được Tương quân ở Hỗ Vỹ tín nhiệm, phạm sai lầm nên chịu mất Cơ Long, triều đình tin lời ấy, ban chiếu răn đe ông. Dù chịu áp lực nặng nề, Minh Truyền vẫn thản nhiên chỉ huy tác chiến; ngày 08 tháng 10, ông phái Chương Cao Nguyên chi viện cho Chương Châu tổng binh Tôn Khai Hoa (tướng Tương quân) đẩy lui nỗ lực lên bờ của quân Pháp.

Khổ chiến

Ngày 23 tháng 10, hạm đội Viễn Đông bắt đầu tiến hành các hoạt động phong tỏa Đài Loan; mặt khác, quân Pháp được tăng cường 1800 người. Trong hoàn cảnh khó khăn, Minh Truyền khẳng định không mong cứu viện sẽ đến, kiên quyết cố thủ chờ tình hình thay đổi. Một mặt Minh Truyền hiệu triệu nhân dân bỏ tiền ra sức để bảo vệ quê hương; một mặt tín nhiệm tuyệt đối tướng lãnh Tương quân là bọn Tôn Khai Hoa, Tào Chí Trung, cho phép bọn họ tùy nghi hành động. Nhân sĩ, phú hào tự động quyên nộp gần trăm vạn lạng bạc, dân chúng, nam nữ hăng hái hiệp đồng với quan quân chiến đấu; tướng sĩ Đài Loan có lúc thắng có lúc thua, nhưng không hề nhụt chí. Minh Truyền đồng cam cộng khổ với sĩ tốt, ra trận thì đi trước mọi người, nghỉ ngơi thi áo cộc nằm trên mặt đất. Ngựa bị đạn pháo làm hoảng hốt, hất chủ xuống đất, mũ quan bị đạn bắn sượt qua, Minh Truyền đều thần sắc không đổi, tiếp tục chỉ huy chiến đấu, khiến mọi người khâm phục, hoàn toàn nghe theo mệnh lệnh của ông.

Ngày 13 tháng 04 năm Quang Tự thứ 11 (1885), chánh phủ Pháp đình chỉ chiến sự. Ngày 14 tháng 04, Courbet cởi bỏ tình trạng phong tỏa. Ngày 09 tháng 06, Lý Hồng Chương ký kết điều ước Thiên Tân. Ngày 11, Courbet mất ở đảo Mã Công, quần đảo Bành Hồ. Ngày 16, Lespès thay làm tư lệnh, trao đổi tù binh ở Cơ Long. Ngày 21, quân Pháp rút khỏi Cơ Long. Ngày 04 tháng 08, hạm đội Viễn Đông rút khỏi Bành Hồ, chiến sự ở Đài Loan chính thức kết thúc.